“Lực căng” đô thị đè nặng đang thúc đẩy làn sóng người dân chọn đất nền ven đô để an cư vì yếu tố giá rẻ. Nhận định của giới địa ốc, khi hạ tầng kết nối mạnh mẽ, đất nền ven đô sẽ là “ngôi sao mới” của thị trường.
Ở nhà Đồng Nai, đi làm Sài Gòn
Làn sóng người dân đổ xô ra vùng ven tìm mua đất nền khởi phát từ nhiều tháng trước đây và hiện vẫn đang tăng cao. Khảo sát cho thấy, những nơi có hạ tầng kết nối tốt đều kích thích mạnh sự phát triển của bất động sản vùng ven. Đơn cử, kể từ sau khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án bất động sản của các nhà đầu từ trong và ngoài nước dọc theo tuyến đường cao tốc thuộc quận 2, quận 9 đã được đầu tư xây dựng đồng loạt.
Người Sài Gòn đang đổ xô mua đất vùng ven
Tương tự, trước đây Thủ Đức được xem là quận vùng ven của TP.HCM ít được giới kinh doanh địa ốc chú ý, nhưng kể từ sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng được đầu tư xây dựng, nối sân bay Tân Sơn Nhất với Thủ Đức, trở thành cửa ngõ quan trọng đã khiến cho hàng loạt dự án bất động sản mọc lên. Giá đất nền tại các khu vực nói trên đã tăng gần 50% chỉ trong vòng 1 năm.
Trong số các “điểm sôi” đất nền, Đồng Nai có thể coi là tâm điểm, đặc biệt là các dự án lân cận khu vực Biên Hòa. Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs, doanh nghiệp phân phối độc quyền Dự án Khu đô thị Long Hưng tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cho biết dự án bán hết 600 đất nền chỉ trong vòng 2 tháng. Giá cũng tăng bình quân 100 triệu đồng/nền so với thời điểm mở bán.
Giải thích điều này, bà cho biết, tuyến đường cao tốc đã làm cho khoảng cách giữa TP.HCM và Đồng Nai gần hơn rất nhiều. Những dự án có đường nối vào cao tốc như Long Hưng sở hữu điều kiện giao thông thuận lợi. “Khảo sát 600 khách hàng cho thấy 60% người mua đến từ TP.HCM. Điều này cho thấy nhu cầu định cư ven đô đã tăng đột biến khi hạ tầng tốt”- bà Tú nói.
“Đối với người thu nhập trung bình tại TP.HCM. Đất nền vùng ven là một cơ hội tốt. Vì với số tiền bằng nhau, chỉ có thể mua một căn hộ nhỏ chật chội. Trong khi ở vùng ven thì có thể sở hữu nhà có sân vườn rộng rãi, nhiều cây xanh”- anh Nguyễn Phương Linh, một người mua đất nền chia sẻ. Khi hạ tầng phát triển, khoảng cách thu hẹp, hàng nghìn lao động tại khu Công nghệ cao hoặc trí thức trẻ ở Thủ Đức đang có trào lưu “ở nhà Đồng Nai, đi làm Sài Gòn”. Nhất là thông tin tuyến Metro được nối dài đến Biên Hòa đang tạo cảm hứng lớn cho cư dân trẻ.
Làn sóng đất nền ven đô
“Câu chuyện bỏ phố tìm về ven đô đang trở nên khá phổ biến. Trước đây, nhiều người chấp nhận sống trong những ngôi nhà chật chội, nhưng ở gần trung tâm hơn ở vùng ven, thì nay chấp nhận đi xa hơn một chút để tìm kiếm một nơi ở rộng rãi, không khí trong lành”- ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Him Lam Land nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, không phải cứ ra vùng ven đều tốt, điều này chỉ diễn ra với những dự án, khu vực có hạ tầng kết nối tốt, được đầu tư bài bản, đảm bảo đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
Cùng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, ông Lương Trí Thìn phân tích, sự dịch chuyển này xuất phát từ việc “lực căng” đô thị của TP.HCM hiện quá lớn. Cũng như các nước phát triển, một khi hạ tầng phát triển mạnh, nhu cầu an cư của người dân trong tương lai, thay vì ở những ngôi nhà chật chội, họ sẽ chấp nhận đi xa hơn một chút để ở trong một ngôi nhà vườn, một căn biệt thự rộng rãi, thoáng mát sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Theo ông, về cơ bản, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM mới chỉ trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Khi hạ tầng kết nối được phát triển mạnh, nhu cầu nhà ở ven đô sẽ càng tăng mạnh hơn. Trong tương lai gần, đây sẽ là phân khúc nổi trội của thị trường bất động sản.
Có cung thì có cầu, làn sóng dịch chuyển của cư dân đang kéo các doanh nghiệp địa ốc vào cuộc đua mới. Có hàng trăm dự án đất nền vùng ven đang “bao vây” TP.HCM để đón đầu. Địa hạt đất nền cũng không còn là cuộc chơi riêng của những Kim Oanh (Bình Dương, Đồng Nai) hay Cát Tường (Long An). Hàng loạt tên tuổi lớn của làng địa ốc như Hưng Thịnh, Thủ Đức House cũng đã “dìm” sẵn dự án đất nền và sắp sửa bung ra đón sóng thị trường.