Khi tìm một nơi an cư mới, ngoài những yêu cầu phòng ở thiết yếu thì ban công vẫn luôn được yêu thích. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng ấy đang dần được thay thế bởi một xu thế mới của thế giới nhằm tối đa hóa diện tích sử dụng của căn hộ.
Ban công có được sử dụng đúng công năng?
Khác với những nước hàn đới, Việt Nam sở hữu một lượng lớn ngày nắng trong năm. Điều kiện tự nhiên này tạo ra thói quen phơi phóng ngoài trời, một khác biệt cơ bản trong nếp sống giữa người Việt và người dân phương Tây nói chung. Ngoài ra, với việc chưa quen sử dụng công nghệ như máy sấy hay tủ sấy, hình ảnh các tòa nhà cao tầng, các chung cư được phủ kín bằng quần áo cư dân vẫn là hình ảnh quen thuộc của mỗi cao ốc.
Do nhiều yếu tố khác nhau, ban công của những căn hộ tại Việt Nam ít khi nào được sử dụng đúng công năng làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi của gia chủ.
Không chỉ quần áo, nơi đây cũng là nơi phơi chăn màn, thảm lót sàn, thậm chí thực phẩm. Từ đó dẫn tới một thực trạng đau đầu cho ban quản lý, chủ đầu tư các cao ốc khi tạo ra những hình ảnh kém sang trọng cho nhiều dự án kể cả hạng sang. Bên cạnh đó, mặc dù nhiều dự án cao cấp đã được thiết kế không gian dành cho máy giặt và dàn nóng điều hòa, nhưng nhiều gia chủ vẫn đặt những thiết bị này ngoài ban công.
Hơn nữa, với tâm lý đề cao yếu tố an toàn cho trẻ em, nhiều gia đình còn lắp thêm rào chắn dạng lưới hoặc rèm vào lan can ban công. Tuy không quá thô kệch như những “chuồng chim” của chung cư thế hệ cũ, nhưng cũng làm không gian mở này bị giảm giá trị khá nhiều.
Nhìn chung, đa phần ở Việt Nam, do ảnh hưởng từ thói quen sống và khí hậu nắng gắt, ban công thường không được sử dụng đúng công năng ban đầu là nơi thư giãn và nghỉ ngơi ngoài trời; từ đó dẫn tới việc chưa sử dụng hết công năng của không gian này.
Xu hướng mới: Căn hộ không ban công
Hiện nay nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn loại bỏ ban công ra khỏi thiết kế của những căn hộ hạng sang. Bằng cách này, diện tích bên trong căn hộ sẽ được mở rộng hơn, gia chủ có thể dễ dàng hơn trong việc sắp xếp và sử dụng không gian sống.
Động thái này không phải là một xu hướng mới, cũng như không hoàn toàn cá biệt tại Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng thấy những căn hộ không ban công ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore với dáng vẻ hiện đại và thẩm mỹ cao. Trong nước, những năm gần đây, nhiều dự án căn hộ cao cấp ở khu vực trung tâm những thành phố lớn cũng đã dần loại bỏ khu vực ban công ra khỏi thiết kế.
Opal Skyline, một trong những dự án mới kết hợp cả những căn hộ có và không có ban công
Không chỉ riêng ở những thành phố lớn, xu hướng thiết kế mới này cũng đang lan tới những thành phố trẻ. Đơn cử như Tp. Thuận An và Dĩ An của Bình Dương. Tại đây ta có thể dễ dàng thấy được sự khác biệt của 2 mô hình chung cư mới và cũ khi so sánh những dự án chung cư truyền thống và những dự án căn hộ cao cấp như Opal Skyline của Tập đoàn Đất Xanh phát triển, vốn là 1 dự án có cả sản phẩm có và không có ban công.
Ngoài hệ thống tiện ích nội khu phong phú, việc mạnh dạn bỏ đi khu vực ban công và thay bằng lô gia/sân phơi giúp cho diện tích sinh hoạt mỗi căn hộ rộng ra đáng kể mặc dù tổng diện tích không tăng. Phòng khách và phòng ngủ chính lúc này cũng được hưởng lợi khi tầm nhìn không bị giới hạn bởi hệ thống lan can thường có của ban công và không gian bên trong cũng được tối ưu hơn cho gia chủ. Vấn đề thông gió và lấy sáng được giải quyết bằng hệ thống cửa sổ và cửa kính lớn. Bằng cách này, chủ đầu tư có thể giúp không gian sống luôn thông thoáng và tràn ngập ánh sáng tự nhiên.
Ban công được thay thế bằng hệ cửa kính lớn ở phòng khách và phòng ngủ chính trong những căn hộ hiện đại ngày nay
Việc loại bỏ ban công cũng có thể mang đến nhiều bất cập về không gian phơi phóng, nơi đặt dàn nóng điều hòa v.v… Tuy nhiên các chủ đầu tư cũng khéo léo giải quyết bằng cách dành ra khu vực cho lô gia cũng như sân phơi, kín đáo hơn, đảm bảo mỹ quan của dự án nhưng vẫn đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết.
Theo đó ta có thể thấy, giữa 2 thiết kế, việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi khách hàng. Tuy nhiên, việc loại bỏ ban công không hẳn là một điểm trừ khi nó có thể mang lại nhiều lợi ích khác cho không gian sinh hoạt của gia chủ.
Nguyễn Sơn.